Mua Bán Tên Miền: Tưởng Dễ Ai Dè Khó Không Tưởng

Chính nhu cầu từ tên miền càng ngày càng tăng cao nên nhiều nhà kinh doanh ồ ạt đổ bộ vào lĩnh vực này để làm giàu. Thậm chí họ còn bỏ cả khối tiền và quỹ thời gian của mình cho lĩnh vực này. Tuy nhiên không có gì là đơn giản mà kinh doanh tên miền cũng gặp không ít rủi ro và thậm chí thất bại. 

VkeyNTjR.jpg
Một sàn giao dịch tên miền
flVVcxfc.jpg

Tên miền phamnhatvuong.com được rao bán hơn 2,4 tỉ đồng

“Chỉ cần chịu khó suy nghĩ và tìm tòi thông tin một chút trên Internet, bạn có thể tìm ra những tên miền tiềm năng có thể đem lại cho bạn hàng trăm triệu đồng”; “Những người kinh doanh tên miền chỉ cần có tầm nhìn xa một chút, họ sẽ chủ động biết được trong tương lai dạng tên miền nào có thể đầu cơ”… Đó là những lời mô tả tưởng chừng rất đơn giản của nhiều người tham gia đầu cơ tên miền.

Hàng trăm vụ tranh chấp tên miền

Theo thống kê từ Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC), số lượng các vụ kiện tranh chấp tên miền được giải quyết qua trung tâm này ngày càng tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2003 chỉ có 16 vụ kiện thì đến năm 2006 đã tăng lên 36 vụ, năm 2010 vừa qua đạt số lượng cao nhất với 63 vụ tranh chấp tên miền. Tổng số vụ kiện được VIAC giải quyết trong năm năm gần đây (2006-2010) là 235 vụ. Đó là chưa kể rất nhiều vụ việc chủ thể hợp pháp của tên miền vì ngại các thủ tục pháp lý đã chấp nhận thỏa thuận ngầm mua lại với giá cao.

Giấc mộng tên miền

 

Chỉ cần vào Google và tìm kiếm cụm từ “mua bán tên miền”, người dùng ngay lập tức nhận được hàng triệu kết quả về chủ đề này. Hàng trăm website rao bán hàng chục ngàn tên miền Internet với đầy đủ các lĩnh vực đang hoạt động rất sôi động. Giá rao bán tên miền cũng rất đa dạng, từ vài trăm đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn USD.

Trong đó, một website đang rao bán tên miền phamnhatvuong.com (trùng tên ông Phạm Nhật Vượng – người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam 2010) với giá khởi điểm 120.000 USD (hơn 2,4 tỉ đồng).

Bên cạnh đó còn có các tên miền: trandinhlong.com (trùng tên ông Trần Đình Long – chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) được rao với giá 100.000 USD (hơn 2 tỉ đồng); nguyendinhkhoa.com (trùng tên ông Nguyễn Đình Khoa – tổng giám đốc Công ty bất động sản Mekong Land) 60.000 USD (hơn 1,2 tỉ đồng); huynhuydung.com (trùng tên ông chủ khu du lịch Đại Nam, Bình Dương) 50.000 USD và nhiều tên miền khác.

Người đăng ký và quản lý các tên miền trên là Trần Quốc Dũng, ở TP.HCM. Giải thích lựa chọn đầu tư của mình, ông Dũng cho biết: “Việc sử dụng họ tên cá nhân làm các website riêng đang là xu hướng của những người nổi tiếng trên thế giới”. Việc hét giá quá cao cho các tên miền trên theo ông Dũng thì “cái gì hiếm phải có giá cao, như vậy mới xứng đáng với những tên miền riêng này”. Ông Dũng cho biết “đang nuôi vài chục tên miền” như trên.

Trong quá trình tìm hiểu về thị trường tên miền hiện nay, chúng tôi đã quen N. hiện là nhân viên của một công ty dịch vụ công nghệ thông tin khá nổi tiếng tại VN. N. có bốn năm kinh nghiệm đầu tư tên miền và tỏ ra khá am hiểu thị trường này. N. cho biết hiện nay có rất nhiều công ty, cá nhân tham gia đầu tư vào thị trường tên miền, “tổng số lượng là vô số, trong đó có người chỉ sở hữu vài tên miền và chờ cơ hội đến nhưng cũng có rất nhiều người đổ tiền nuôi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tên miền trong nhiều năm”. Khi cơ hội đến, lợi nhuận đem lại từ việc bán một tên miền là rất lớn.

Tranh chấp

Chính sự “đi tắt đón đầu” này đã dẫn đến nhiều vụ tranh chấp khi tổ chức, cá nhân phát hiện đã có người dùng thương hiệu, họ tên của mình để đăng ký tên miền. Bà Trần Tố Loan, giám đốc truyền thông Tập đoàn kinh tế Internet Micronet, nhận định: “Trong khi các doanh nghiệp, tổ chức tại VN vẫn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của tên miền trong nền kinh tế mạng thì các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã nhanh tay đăng ký trước, đến khi doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh hay quảng bá thương hiệu trên Internet đi đăng ký mới biết tên miền đã bị đăng ký rồi”.

Ông Trần Minh Tân, phó giám đốc Trung tâm Internet VN (VNNIC), cho biết khi VNNIC lần đầu cấp phát tên miền .vn cũng từng diễn ra tình trạng rất nhiều chủ thể thuộc diện ưu tiên đã chủ quan không lo đăng ký, người khác nhanh chân hơn đăng ký mất để rồi sau đó xảy ra tranh chấp.

Tuy nhiên, theo bà Loan, sự chậm chân mới chỉ là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới các vụ tranh chấp tên miền liên quan tới nhãn hiệu hàng hóa, các tổ chức, doanh nghiệp xảy ra dồn dập như thời gian qua.

Nguyên nhân thứ hai là do các tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện chính sách “bao vây” khi đăng ký. Nhiều người cho rằng chỉ cần một tên miền để xây dựng website cho doanh nghiệp là đủ và bỏ ngỏ tên miền với các đuôi còn lại hoặc những tên miền có cách viết, cách đọc tương tự. Nhận thức phiến diện này tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức khác đăng ký những tên miền còn sót lại để đầu cơ hoặc sử dụng vào những mục đích không chính đáng.

Đến khi doanh nghiệp nhận thấy những thiệt hại vì không đăng ký đầy đủ hoặc hay tin các tên miền đó bị sử dụng vào mục đích xấu gây tổn hại cho doanh nghiệp mới bắt đầu khiếu nại để giành lại tên miền. Điển hình cho sự chủ quan, lơ là của các chủ thể trong việc đăng ký tên miền tại VN có thể kể đến như: eBay chỉ đăng ký ebay.vn mà bỏ qua ebay.com.vn; Bitis đã đăng ký bitis.com.vn và bitis-vn.com.vn nhưng bỏ qua bitis.vn…

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tranh chấp tên miền là do sự quản lý lỏng lẻo của chủ thể tên miền. Khi tên miền đến hạn duy trì, chủ thể không đóng phí duy trì sẽ bị thu hồi tên miền và các cá nhân, tổ chức khác có cơ hội đăng ký tên miền đó.

Còn nhiều kẽ hở

Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là cơ may lấy lại tên miền thuộc sở hữu hợp pháp của mình nhưng đã bị cá nhân, tổ chức khác “nhanh chân” chiếm giữ. Luật sư Trần Vương Thảo, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: “Việc đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền sẽ bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nghĩa là có thể bị kiện và không giữ được tên miền đó nữa”.

Khi xảy ra tranh chấp tên miền, luật sư Lê Thành Kính, trưởng văn phòng luật sư Lê Nguyễn (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết chủ thể phải có những tài liệu chứng minh tên được dùng trong tên miền có liên quan trực tiếp đến thương hiệu, sản phẩm hay một cái gì đó riêng của họ, chẳng hạn tên thương hiệu, sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ kinh doanh; họ đã dùng tên đó cho kinh doanh hay sản phẩm từ lâu và phổ biến…

Tuy nhiên hiện nay quy định pháp luật về đăng ký tên miền và pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa lại không thống nhất với nhau. Trong khi đó nguyên tắc đăng ký tên miền hiện hành lại là “đăng ký trước được cấp phát trước”. Điều này khiến việc đăng ký tên miền trở nên dễ dãi, người dùng chỉ việc trình chứng minh nhân dân là có thể đăng ký được tên miền.

Đây chính là căn nguyên dẫn đến tình trạng tranh chấp tên miền. “Trong khi đáng lẽ nên có quy định chủ thể phải trình giấy tờ chứng minh được tên miền đó thuộc về mình. Điều này sẽ ngăn chặn việc một số cá nhân, tổ chức trục lợi dựa trên tên miền của người khác” – luật sư Kính đề nghị.

Theo quy định giải quyết tranh chấp tên miền, hiện nay Trung tâm Trọng tài quốc tế và tòa án đang là những đơn vị đảm nhiệm việc giải quyết các tranh chấp tên miền. Tuy nhiên các cơ quan này chỉ giải quyết các tranh chấp đã xảy ra. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức muốn lấy lại tên miền nhưng vì ngại thủ tục pháp lý nên đã chấp nhận thỏa thuận ngầm mua lại tên miền như một loại hàng hóa.

Trong khi đó luật vẫn chưa có quy định cụ thể về việc mua bán, chuyển nhượng tên miền. Điều này dẫn đến sự không minh bạch trong việc đăng ký và sở hữu tên miền, gây ra nhiều rủi ro cho cả hai bên.

Dễ trắng tay

Khi bàn về thị trường tên miền hiện nay, một chuyên gia công nghệ thông tin nhận định những người đầu tư vào tên miền hoàn toàn có thể thực hiện được giấc mơ tỉ phú, bởi chỉ cần bán vài tên miền là có thể kiếm hàng tỉ đồng. Thế nhưng thực tế không phải ai cũng có cơ hội thành công.

Như trường hợp của N., sau bốn năm ròng rã theo đuổi nuôi các tên miền, cuối cùng chàng thanh niên này phải chấp nhận… bỏ cuộc chơi bởi “vừa tốn tiền vừa quá nản”. N. cho biết từng nuôi khoảng 20 tên miền, trong đó có tên miền saigonbank.vn và tinnghiabank.net. Đây là tên miền của hai ngân hàng ở TP.HCM. N. tiết lộ: “Dân như chúng tôi đều biết những kỹ thuật để ép khách hàng mua tên miền của mình. Chúng tôi thậm chí còn dùng thủ thuật trỏ tên miền của mình vào website của một ngân hàng đối thủ và đăng trên các trang quảng cáo, rao vặt, rao bán… nhằm kích họ mua lại tên miền. Vậy mà các ngân hàng đó chẳng thèm ngó ngàng gì tới làm chúng tôi nản”.

N. đúc kết: “Việc đầu cơ không dễ chút nào và đôi khi còn phải chấp nhận trắng tay”. Ngay cả như ông Dũng – người đang sở hữu những tên miền khá tiềm năng – cũng thừa nhận đây chỉ là một cuộc chơi may rủi.

Đặc biệt với các cá nhân, công ty “ôm” nhiều tên miền trong tay thì áp lực phải bán được tên miền càng lớn. Thế nhưng vì tên miền không phải là hàng hóa có thể bán được ngay như gạo, thịt nên các công ty “ôm” luôn phải tìm mọi cách… buộc khách hàng chấp nhận mua lại tên miền.

Nguồn: congnghe.tuoitre.vn

Minh Phương- ATP Software